Các phiên bản hình ảnh Người biểu tình vô danh

Bốn nhà nhiếp ảnh đã xoay xở để ghi lại sự kiện này lên phim và đưa hình ảnh họ chụp xuất bản sau khi sự kiện Thiên An Môn kết thúc.[12] Ngày 4 tháng 7 năm 2009, một nhiếp ảnh gia khác đưa ra hình ảnh chụp từ tầm nhìn dưới đất của vụ việc.[11]

Bức ảnh về sự kiện này được dùng phổ biến nhất là do Jeff Widener của thông tấn xã Hoa Kỳ lớn nhất thế giới Associated Press chụp, từ ban công tầng 6 của Khách sạn Bắc Kinh, cách khoảng 800 m từ nơi diễn ra vụ việc, trong tình trạng đang bị thương và bị cảm. Bức ảnh được chụp bằng máy Nikon FE2[13] sử dụng một ống kính Nikkor 400mm 5.6 ED IF và bộ tăng tiêu cự ống kính TC-301. Bị thiếu phim, một người bạn của anh đã nhanh chóng lấy một cuộn phim màu âm bản mới, giúp anh thực hiện được việc chụp ảnh.[14] Dù anh ta lo ngại rằng những bức hình của anh chất lượng không tốt, hình ảnh anh chụp đã được dùng để đăng tải trên một lượng lớn các tờ báo trên khắp thế giới,[12] và được cho rằng từng xuất hiện trên trang nhất của tất cả các tờ báo châu Âu.[14]

Một phiên bản khác do Stuart Franklin của tổ chức nhiếp ảnh quốc tế Magnum Photos chụp từ tầng 5 của Khách sạn Bắc Kinh. Hình ảnh anh chụp có tầm nhìn rộng hơn của Widener, cho thấy nhiều xe tăng ở xa hơn. Cuộn phim của anh đã được một sinh viên Pháp lén đưa ra khỏi Trung Quốc bằng cách giấu trong một hộp trà.[12]

Charlie Cole, phóng viên tạp chí tin tức hàng tuần ấn bản tại Thành phố New York Newsweek, đứng trên cùng ban công như Stuart Franklin, đã giấu cuộn phim về người biểu tình chắn xe tăng trong nhà vệ sinh của Khách sạn Bắc Kinh, hy sinh một cuộn phim không sử dụng và hình ảnh những người biểu tình bị thương chưa được tráng rửa sau khi cơ quan công an đột kích vào phòng của ông, phá hủy hai cuộn phim trên và buộc ông phải ký một lời thú tội. Cole đã lấy cuộn phim và gửi đến tạp chí Newsweek.[12] Ông đã giành một Giải thưởng Báo chí Thế giới về bức ảnh tương tự[15] mà đến năm 2003 được xếp vào danh sách "100 bức ảnh làm thay đổi thế giới" của tạp chí Life.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người biểu tình vô danh http://appledaily.atnext.com/template/apple/art_ma... http://www.cbsnews.com/stories/2009/06/02/world/ma... http://www.cnn.com/resources/video.almanac/1989/in... http://www.epochtimes.com/gb/6/6/1/n1336133.htm http://lens.blogs.nytimes.com/2009/06/03/behind-th... http://lens.blogs.nytimes.com/2009/06/04/behind-th... http://www.time.com/time/time100/leaders/profile/r... http://www.tt.com/home/8465591-91/tiananmen-massak... http://www.youtube.com/watch?v=qV-tk8CrqCQ http://www.neuepresse.de/Nachrichten/Politik/Deuts...